Khát vọng 5 tỷ đô của CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam

Khát vọng 5 tỷ USD

Hơn 2 năm trước, Giang khởi động dự án thay đổi căn bản hệ thống xử lý lệnh mua, bán chứng khoán của VNDirect, dù hạ tầng công nghệ vẫn được xếp vào nhóm công ty dẫn đầu trên thị trường. "Hệ thống đang chạy tốt, tại sao phải đầu tư tiền và nhân sự quan trọng cho điều chưa biết có cần thiết không? Tại sao phải tự làm trong khi có thể đi mua?", là những câu hỏi được một số lãnh đạo trong công ty đặt ra.

Thời điểm đó, năng lực xử lý của Công ty VNDirect vẫn lớn hơn so với nhu cầu, nhưng theo nhận định của vị CEO trẻ tuổi, thị trường sẽ có những phát triển đột biến về số lượng giao dịch. Nếu không chuẩn bị trước cho những điều sắp diễn ra, công ty sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh lõi là công nghệ và chất lượng dịch vụ.

f:id:landstda:20160215133610p:plain

Ngoài thành lập và chỉ đạo một đội ngũ riêng để thực hiện dự án, độc lập khỏi các công việc hàng ngày, Nguyễn Hoàng Giang tiến hành nhiều buổi họp, chia sẻ với các bộ phận khác nhau để giải thích về sự cần thiết, cũng như lợi ích của dự án, với những dữ liệu được thu thập, kiểm chứng. Giang cho biết, khoảng 3/2016, dự án này sẽ hoàn thành, đưa tốc độ xử lý lệnh mua bán của hệ thống tăng gấp 100 lần so với hiện nay.

Theo thống kê từ 2 Sở giao dịch chứng khoán, tổng số lệnh thực hiện qua Công ty VNDirect lên tới 12% toàn thị trường, trong khi thị phần môi giới chỉ 6%. Khi việc mua bán chứng khoán trong ngày được áp dụng chính thức, số lượng lệnh mua bán phải xử lý trong phiên giao dịch sẽ tăng vọt. Nếu không chuẩn bị, các công ty chứng khoán (trong đó có VNDirect) sẽ bị quá tải, hoặc không đảm bảo chất lượng dịch vụ. Cũng vì thế, sự chuẩn bị về hệ thống mà Giang cùng cộng sự tiến hành từ hơn 2 năm trước là bước đi chiến lược cho sự thay đổi ở tương lai gần.

Từ năm 2010 đến 2015, tuổi trung bình của nhân viên công ty tăng từ 28 lên 30,3 nhưng bầu không khí ở VNDirect lại trẻ trung hơn. Vũ Thu Hoài, một nhân viên cũ tại đây cho biết, khi gặp lại các đồng nghiệp cũ, chị thấy họ được giao nhiều quyền quyết định hơn, và công ty cũ có nhiều hoạt động trẻ trung hơn dù tuổi… già hơn.

Nguyễn Hoàng Giang giảm bớt việc vận hành trực tiếp, chuyển dần sang điều phối, phát triển các mảng thị trường mới...

Trong chiến lược phát triển tới năm 2020, ngoài việc liên tục cải tiến công nghệ, một mục tiêu quan trọng mà Giang và các đồng nghiệp đặt ra là phải cá nhân hoá việc tư vấn đầu tư và sử dụng các dịch vụ tài chính cho khách hàng. Bên cạnh đó, nếu áp dụng thêm công nghệ mới, một nhân viên sẽ tư vấn được cho 100 khách hàng thay vì 20 như hiện nay. "Nếu làm đúng các chiến lược đặt ra, tổng tài sản mà VNDirect quản lý cho khách hàng vào năm 2020 sẽ là 5 tỷ USD", Giang dự báo.

Chia sẻ với Zing.vn về 5 năm làm CEO VNDirect, Giang nói: "Cảm xúc từ hào hứng lúc nhận thử thách, có lúc chuyển sang chán nản vì quá khó, tiếp đến là thất vọng vì kết quả, rồi lại sung sướng vì thấy nỗ lực của mình có thành công bước đầu… Nhìn chung thì đến giờ tôi vẫn là ‘tổng giám đốc học việc’, vẫn cần học hỏi, trợ giúp rất lớn từ bạn bè, đồng nghiệp. Cái khác lớn nhất là mục tiêu mà thôi. Điều quan trọng là phải luôn học thêm cái mới vì thị trường tài chính sẽ còn thay đổi rất nhiều trong tương lai".

Hiện tại, Nguyễn Hoàng Giang đang theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh từ xa dành cho những nhà điều hành (Executive MBA) của Đại học Chicago, và đến năm 2017 mới kết thúc.

Một sở thích của Giang trong lúc rảnh rỗi là chạy bộ. Và ngay cả với thú vui này, chàng thanh niên cũng muốn học thêm một cái gì đó, như chạy hết 5 km mà không bị thở gấp, số bước chân theo thời gian để tối ưu… "Vào cuối tuần, nếu vợ cho phép thì tôi sẽ đi chơi golf với bạn bè. Nhưng mong ước trong năm 2016 là tham dự một chặng marathon nào đó", Giang tâm sự.